Nhớ cam Bố Hạ

Cam Bố Hạ đã từng nổi tiếng khắp vùng, đã từng một thời là niềm tự hào của người dân xứ Bắc nhưng đến nay, một vùng cam quý đang dần mai một và có nguy cơ chìm vào lãng quên.

Cam Bố Hạ đã từng nổi tiếng khắp vùng, đã từng một thời là niềm tự hào của người dân xứ Bắc nhưng đến nay, một vùng cam quý đang dần mai một và có nguy cơ chìm vào lãng quên.

Đặc sản cam Bố Hạ

Chúng tôi có dịp trở lại quê hương của cây cam Bố Hạ. Đó là vùng đất nằm hai bên triền sông Thương, giáp ranh giữa hai huyện Yên Thế và Lạng Giang, là một vùng đất bãi phì nhiêu được phù sa con sông bồi đắp, cho một chất đất thật phù hợp với sự sinh trưởng, phát triển một giống cam quý đặc sản - cam sành Bố Hạ. Đây là loại cam thường chín rộ vào dịp Tết Nguyên đán: quả màu vàng nâu tươi, hình cầu dẹt, tròn trịa, đẹp mắt, cùi dày, da hơi sần. Sự hấp dẫn đặc biệt của loại cam này là mùi thơm đặc trưng, vị ngọt đậm, tép to mọng nước, ruột vàng đỏ, hàm lượng dinh dưỡng cao.

alt

Cũng không mấy ai hiểu hết được sự quý giá của giống cam đặc sản này như người dân Bố Hạ. Những ngày Tết cổ truyền, người dân Bắc Giang thường đi lễ tết ông bà, cha mẹ, thầy cô… không gì quý và sang bằng những chục cam Bố Hạ. Người ốm đau biếu mấy trái cam, ăn vào như được tiếp thêm nguồn sinh lực, tỉnh người, khỏe ra để chống chọi lại với bệnh tật. Chính vì quý như vậy mà giá cam Bố Hạ được bán ra với giá thường gấp hai đến ba lần so với các loại cam khác, vào gần dịp Tết Nguyên đán giá còn cao hơn nữa nên đến đất cam nhiều khi tìm mua cũng khó.

Trồng cam cũng lắm công phu

Một lão nông trồng cam kể: với người trồng cam, điều quan tâm đầu tiên là khâu chọn giống cam, giống cam được chọn lọc tự nhiên qua nhiều thế hệ. Nhân giống thì bằng phương pháp chiết cành chứ chẳng ai gieo bằng hạt. Đất trồng cam phải là đất mầu mỡ tơi xốp, không nấm bệnh, thoát nước tốt song cũng gần nguồn nước để tưới khi cần. Hố trồng cam phải được chuẩn bị trước: để phơi nắng, rắc vôi bột, đổ phân, mùn hoai mục, lấp đất cho đầy hố rồi hạ cây vào mùa xuân. Cây được theo dõi, chăm sóc thường xuyên vun xới, bắt sâu nhổ cỏ, chú ý từng chùm hoa, tán lá. Tùy theo độ lớn của từng cây mà để số quả đậu cho phù hợp rồi thúc đạm, bổ sung lân hoặc kali. Đặc biệt khi thu hoạch cam bao giờ người ta cũng dùng kéo cắt kết hợp với tỉa, xén cành luôn chứ tuyệt nhiên không ai hái quả bằng bẻ tay hoặc vặt để lại cuống trên cây. Quả hái xong được lau sạch, phân loại, nhúng cuống vào nước vôi rồi xếp lên cát hoặc sọt để nơi thoáng mát là có thể bảo quản được khá lâu.

Cứ sau mỗi vụ thu hoạch cam người trồng cam lại tổng vệ sinh cho cây, bới xung quanh gốc cam cho tới rễ con, rồi bón phân vào gốc, sau đó lại phủ đất lên để bổ sung dinh dưỡng cho cây đợi mùa hái quả năm sau. Ngày xưa, ở nơi đây nhà nghèo cũng có vài chục gốc cam còn nhà giàu thì có đến vài nghìn gốc. Cam cũng là nguồn thu nhập quan trọng và cũng là niềm tự hào của người dân Bố Hạ. Thế mà trải qua những thăng trầm của thời gian, một vùng cam đặc sản đang dần bị thoái hóa, mai một bởi nhiều nguyên nhân.

Có khôi phục được giống cam quý?

Nhằm từng bước khôi phục và phát triển giống cam quý, từ năm 2005, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho Trung tâm khuyến nông tỉnh phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp và Viện Bảo vệ thực vật (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện dự án "Cam sành sạch bệnh". Dự án được triển khai trên diện tích 10ha thuộc hai xã Nghĩa Hưng (Lạng Giang) và Bố Hạ (Yên Thế). Nhưng sau gần 4 năm triển khai thực hiện dự án, kết quả cho thấy: giống cam đưa vào trồng đều bị bệnh vàng lá, năng suất thấp, chất lượng kém, thua xa giống cam bản địa.

Theo nhận xét của một số cán bộ chuyên môn thì do giống cam đưa vào trồng không phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tại địa phương; mặt khác lại do nguồn véc tơ truyền bệnh là rầy hiện di trú ở bờ bụi rất nhiều… nên hiện tại diện tích trồng cam thuộc vùng dự án ngày một bị thu hẹp, số diện tích còn lại nhân dân đã chuyển sang trồng một số loại cây ngắn ngày khác.

Chia tay với người dân vùng trồng cam xưa, thì cũng là lúc bóng hoàng hôn dần khuất sau dãy núi xanh mờ, bỏ lại sau lưng chúng tôi những ám ảnh khôn nguôi về một vùng cam quý. Cái mùi thơm đặc trưng cùng với vị ngọt đậm của cam Bố Hạ ngày nào, vẫn cứ như phảng phất đâu đây, càng làm cho chúng tôi nhớ đến nao lòng về một sản vật, thường vẫn được dùng để biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô vào những dịp lễ tết. Phải chăng đó là câu hỏi cho các nhà quản lý, đặc biệt là các nhà khoa học phải đầu tư công sức nhiều hơn nữa, để khôi phục và phát triển giống cam quý của tổ tiên.

VnCharm

Nguồn:

http://www.baobacgiang.com.vn/cam-bo-ha

Bình luận của bạn