Ưu tiên dùng hàng Việt Nam - mục tiêu chiến lược lâu dài

Trong bối cảnh hội nhập sâu sắc, cạnh tranh mạnh mẽ giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu, việc thay đổi nhận thức và tạo lập hành vi ưu tiên dùng hàng Việt Nam là đòi hỏi cấp bách, vừa là mục tiêu chiến lược lâu dài. Đây là nhận định đưa ra tại Hội thảo “Hành vi mua của người Việt Nam đối với hàng nội, hàng ngoại trong thời đại toàn cầu hóa” do Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương tổ chức ngày 22/4 tại Hà Nội.

alt

Nhiều nhóm hàng hóa sản xuất trong nước đã được người tiêu dùng Việt Nam ưu chuộng (Ảnh minh họa)

Báo cáo tại hội thảo cho thấy, thời gian qua, các doanh nghiệp sản xuất trong nước đã nỗ lực trong việc chiếm lĩnh thị trường, tỷ lệ hàng nội ngày càng tăng trên thị trường. Nhiều nhóm hàng hóa sản xuất trong nước đã được người tiêu dùng Việt Nam ưu chuộng hơn so với những năm trước đây như: sản phẩm dệt may, giày dép có tới 80% người tiêu dùng ưa thích; thực phẩm, rau quả 58%; sản phẩm đồ gia dụng 50%... Ngay cả những mặt hàng công nghiệp, mặc dù chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường nhưng tỷ lệ hàng nội đã đạt ở mức khá: hóa chất 73%; phân bón 70%; xăng dầu gần 40%; sợi 60%...Đặc biệt, qua 5 năm thực hiện Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam qua 5 năm thực hiện đã có những kết quả tích cực. 63% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên mua hàng Việt, 55% người tiêu dùng khuyên người thân mua hàng Việt… Đáng chú ý là đã xuất hiện những xu hướng như tẩy chay hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, độc hại.

Tuy nhiên, thực tế, một số mặt hàng ngoại nhập hoặc thương hiệu nước ngoài vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong nhiều ngành hàng quan trọng. Không ít người còn tâm lý chuộng hàng ngoại dù giá cao hơn so với hàng nội cùng chủng loại và chất lượng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Sau khi gia nhập WTO và hàng loạt các hiệp định song phương và đa phương, thị trường Việt Nam xuất hiện hàng hóa đến từ khắp nơi trên thế giới. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước phải cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp nước ngoài; hàng sản xuất trong nước cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Trước thực trạng này, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, về phía Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan luôn chú trọng tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, thực hiện các chính sách thúc đảy phát triển sản xuất trong nước.

Ông Võ Văn Quyền nói: “Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam là chủ trương đúng đắn tạo đồng thuận từ doanh nghiệp, người tiêu dùng, nhà quản lý, tạo môi trường để doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh, đứng vững trong bối cảnh toàn cầu hóa. Chính phủ năm 2014 đã có Quyết định 634 phát triển thị trường trong nước, trong đó sẽ tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt.”

Các chuyên gia khuyến cáo, doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu để hiểu biết đầy đủ các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi mua của người Việt Nam với các sản phẩm ngoại nhập và sản phẩm nội địa, từ đó có chiến lược, chương trình marketing hiệu quả nhằm kích thích tiêu dùng sản phẩm trong nước, chiếm lĩnh thị trường nội địa. Với các nhà làm chính sách, việc nghiên cứu hành vi mua hàng nội giúp hoạch định chính sách quản lý vĩ mô, các chương trình quốc gia vận động thúc đẩy hình thành hành vi tiêu dùng hàng nội mạnh mẽ ở mọi tầng lớp nhân dân.

VnCharm

Nguồn: VOV

Bình luận của bạn