Cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” tại Thanh Hóa: Hiệu quả từ hệ thống các siêu thị nông thôn

Cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” tại Thanh Hóa: Hiệu quả từ hệ thống các siêu thị nông thôn

Đưa hàng Việt về nông thôn là giải pháp tích cực thực hiện Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, giúp các doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng nông thôn. Tại Thanh Hóa, hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn đang phát huy hiệu quả nhờ phát triển các siêu thị nông thôn, miền núi.

Trên thực tế, khu vực nông thôn và miền núi, hàng hóa đến tay người tiêu dùng phần lớn qua hệ thống chợ và các cửa hàng bán lẻ; lượng hàng phân phối thông qua các kênh như siêu thị, cửa hàng chủ yếu được thực hiện tại các thành phố lớn, còn lại là do nhà sản xuất trực tiếp bán thẳng ra thị trường. Như vậy, có thể khẳng định, hệ thống bán lẻ của các doanh nghiệp tại khu vực nông thôn chưa được chú trọng đầu tư, có những nơi còn bị bỏ quên…

Ông Hoàng Văn Hùng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa - cho biết, những năm gần đây, hạ tầng cơ sở thương mại tại khu vực nông thôn, miền núi ở Thanh Hóa được quan tâm phát triển, các doanh nghiệp chú trọng đầu tư các kênh phân phối nên người dân được tiếp cận hàng hóa nói chung và hàng Việt Nam phong phú hơn. Đặc biệt, với sự xuất hiện của các siêu thị đã giúp việc thực hiện đưa hàng Việt về nông thôn thuận lợi hơn, người dân có điều kiện mua sắm hàng trong nước sản xuất đúng giá, bảo đảm chất lượng… Đơn cử việc phát triển hệ thống siêu thị mini tại các huyện miền núi của Công ty CP thương mại miền núi Thanh Hóa. Đến nay, hệ thống này đã có 6 siêu thị tại các huyện vùng cao, luôn bảo đảm 2 tiêu chí chất lượng sản phẩm và giá cả phải chăng. “Mỗi siêu thị có khoảng 8.000 mặt hàng, 85% là hàng Việt. Hàng hóa bán phải có tem nhãn, xuất xứ, mã vạch, không nhập những mặt hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc” - đại diện Công ty CP thương mại miền núi Thanh Hóa - khẳng định.

alt

Phát triển hệ thống siêu thị giúp đẩy mạnh tiêu dùng hàng Việt khu vực nông thôn

Sự xuất hiện của các siêu thị đã mang lại lợi ích lớn, làm thay đổi thói quen mua hàng của người tiêu dùng ở khu vực nông thôn. Bà Lê Thị Nhung - huyện Cẩm Thủy - chia sẻ: “Mua hàng trong siêu thị rất yên tâm. Hàng hóa ở đây đa dạng, nhiều sản phẩm hàng của Việt Nam như đồ ăn, uống rất ngon, quần áo nhiều mà giá cả phải chăng”…

Với những ưu thế vượt trội, hàng Việt đã và đang chiếm được thị phần ở nông thôn, miền núi Thanh Hóa. Tuy nhiên, khi đưa hàng về nông thôn, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, như: Nhà nước chưa có cơ chế hỗ trợ, chưa nhận được sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương trong việc lựa chọn, xây dựng điểm bán hàng… Để tạo điều kiện cho người dân nông thôn được tiếp cận và sử dụng hàng Việt Nam nhiều hơn, cần tổ chức triển khai có hiệu quả chương trình kết nối nhà sản xuất, kinh doanh hàng Việt với nhà phân phối, tạo điều kiện về mặt bằng và thủ tục hành chính để các nhà phân phối mở rộng kinh doanh ở khu vực nông thôn, khẳng định thương hiệu và không ngừng nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.

Việc các doanh nghiệp trong tỉnh Thanh Hóa đầu tư xây dựng nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ, đã giúp người dân nông thôn tiếp cận các sản phẩm tiêu dùng trong nước có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, thời gian qua, dù nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình nhưng quy mô còn nhỏ, lẻ, chưa có sự liên kết. Phó giám đốc Công ty Thương mại miền núi Thanh Hóa - Đinh Xuân Sơn - đề nghị: Địa bàn miền núi Thanh Hóa rất rộng, dân cư thưa thớt, đi lại khó khăn, nên việc phân phối và bán hàng gặp không ít trở ngại. Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trực tiếp đưa hàng Việt lên miền núi.

Nguồn : Báo Công thương

Bình luận của bạn