Thủ công mỹ nghệ tìm đường vào Nhật Bản: Vấn đề ở khâu thiết kế

Kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đang ngày càng tăng lên, song lại chỉ đạt mức khiêm tốn ở thị trường Nhật Bản. Theo các chuyên gia, cần gỡ những “nút thắt” về khâu thiết kế sản phẩm, vừa mang đậm bản sắc của Việt Nam song cũng phải gần gũi với nhu cầu tiêu dùng của nước nhập khẩu.

Là một trong những thị trường xuất khẩu chính được nhắm đến, Công ty TNHH Thời trang Thái Hòa đã lên kế hoạch để thâm nhập vào Nhật Bản. Tuy nhiên, khi tiếp cận thị trường này, đã có không ít thách thức đặt ra với DN.

Thiếu mẫu riêng

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc công ty, đối với các sản phẩm thời trang nội thất có nguyên liệu vải, khó khăn lớn nhất mà DN gặp phải chính là vấn đề thiết kế. Trong khi DN chưa nắm được các tiêu chuẩn nguồn nguyên liệu, chính là sợi tơ tằm mà DN này sử dụng cho các sản phẩm, cũng chưa có một chuẩn chung về chất lượng để đánh giá. Chưa kể, việc nắm bắt đúng nhu cầu thị trường, hiểu tâm lý tiêu dùng của người Nhật Bản để làm ra các sản phẩm phù hợp với thị trường là bài toán không đơn giản đặt ra với DN.

Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã tăng lên cả về số lượng và kim ngạch, với khoảng 1,5 tỷ USD. Song, với thị trường Nhật Bản, lại chỉ ở mức khiêm tốn. Theo ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), điểm yếu nhất của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu là thiết kế, khi chủ yếu vẫn dựa vào mẫu mã truyền thống hoặc các mẫu đặt hàng của khách. DN chưa tiếp cận và nghiên cứu các xu hướng thiết kế của thị trường, nên sản phẩm khó cạnh tranh. Chưa kể, những điểm yếu như người lao động chủ yếu sử dụng thời gian nông nhàn để tham gia sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, nên tay nghề không cao, dẫn tới khi có đơn hàng lớn, luôn bị ảnh hưởng về năng suất và chất lượng.

Đánh giá cao chất lượng sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam, song theo ông Go Matsuura, Phó trưởng phòng Xúc tiến thương mại và đầu tư (Trung tâm Xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch ASEAN - Nhật Bản), một trong những lý do khiến hàng Việt Nam chưa vào Nhật Bản được nhiều là do chưa đáp ứng được các yêu cầu về quy cách, tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Trên thực tế, đã có nhiều DN xuất khẩu thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã thâm nhập thành công thị trường này, song vấn đề nắm bắt nhu cầu, thị hiếu, văn hóa tiêu dùng rất riêng của người Nhật Bản của DN còn hạn chế nên hiệu quả xuất khẩu chưa cao.

 
alt

Nâng cao năng lực thiết kế mẫu mã sản phẩm là yếu tố quan trọng nhất

Cần tạo nên bản sắc

“Nhiều DN sản xuất hàng thời trang tìm cách vào Nhật Bản rất khó khăn. Nguyên nhân không phải do bản thân sản phẩm đó mà là chỗ người sản xuất ra sản phẩm ấy chưa nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng của người Nhật. Như về mặt thiết kế sản phẩm, mẫu mã chưa đúng sở thích của người Nhật Bản, chưa toát lên được thần thái hoặc nét văn hóa của nước xuất khẩu mặt hàng ấy. Khâu thiết kế sản phẩm của DN Việt Nam vẫn còn yếu, nên vấn đề là giải quyết được khâu này thì mới nâng được chất lượng sản phẩm”, ông Matsuura nói.

Ông Kohei Takata, Phó Trưởng phòng Xúc tiến thương mại và đầu tư của Trung tâm Xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch ASEAN - Nhật Bản, cho rằng cách nhanh nhất để DN Việt Nam tìm được khách hàng là tham dự các hội chợ triển lãm quốc tế tại Nhật Bản hoặc nhiều nước, thăm gian các hàng và tìm đối tác hợp. Tuy nhiên, về lâu dài để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, cần nâng cao hơn nữa tính đồng đều về chất lượng trên cơ sở nâng cao tay nghề của thợ thủ công mỹ nghệ. Đồng thời, cần nâng cao năng lực thiết kế mẫu mã sản phẩm phù hợp, theo hướng thỏa mãn và gần gũi với cuộc sống của người Nhật Bản.

Đáng chú ý, Nhật Bản cũng có nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ, nên sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với chính nước nhập khẩu. Do đó, để người tiêu dùng nhận ra được sản phẩm của Việt Nam và được lựa chọn, cần thiết kế và tạo ra các sản phẩm mang nét đặc trưng của Việt Nam, song vẫn phải thỏa mãn được phong cách và phù hợp với văn hóa của người Nhật Bản, thì mới có thể cạnh tranh trên thị trường.

VnCharm

Nguồn : thoibaokinhdoanh.vn

Bình luận của bạn