Nghề nuôi cá tầm ở Lâm Đồng có nguy cơ đổ vỡ

Gần 10 năm trước, tỉnh Lâm Đồng xác định cá nước lạnh sẽ là bước đột phá kinh tế của tỉnh, nhưng hiện tại nhiều doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này phải bỏ cuộc vì sản xuất không có lãi. 

alt

Một trại nuôi cá tầm ở Lâm Đồng.

Năm 2007 là thời điểm thịnh hành nhất của ngành nuôi cá nước lạnh ở Lâm Đồng. Thời điểm đó, địa phương có 22 doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này với 2 loại chủ chốt là cá hồi Vân và tầm Nga. Diện tích mặt nước theo đó cũng tăng nhanh qua từng năm. 

Theo quy hoạch của tỉnh Lâm Đồng, năm 2015 diện tích cá nước lạnh của tỉnh sẽ là 75ha, với sản lượng 1.500 tấn, trong đó cá tầm là 1.000 tấn, cá hồi là 500 tấn, và đến năm 2020 sản lượng cá nước lạnh của Lâm Đồng sẽ tăng lên 3.000 tấn. Đây là một kế hoạch sát với thực tế phát triển ngành cá nước lạnh ở địa phương cũng như năng lực sản xuất của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khi sản xuất, cá nước lạnh Lâm Đồng gặp vô số bất cập và bất lợi nên năm 2014, sản lượng cá ở đây chỉ đạt 550 tấn, số doanh nghiệp tham gia nuôi cá nước lạnh cũng giảm một nửa chỉ còn 11, diện tích mặt nước ở mức 30ha.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, Lâm Đồng có lợi thế hơn hẳn những địa phương khác để phát triển nuôi cá nước lạnh là nhiệt độ, môi trường thiên nhiên. Bởi thế, sản lượng cũng như diện tích nuôi của tỉnh chiếm trên 50% cả nước.

Một doanh nghiệp tại huyện Lạc Dương cho biết chỉ nuôi cá tầm vì điều kiện nguồn nước, nhiệt độ và chăm sóc ít khắt khe hơn cá hồi, nhưng hiện tại nguồn nước tại vùng Đạ Nhim, Long Lanh huyện Lạc Dương cũng không còn trong lành như những năm đầu do có thời điểm các doanh nghiệp đua nhau mở rộng diện tích một cách thiếu khoa học làm ảnh hưởng chung đến nguồn nước, dẫn đến ảnh hưởng đến tăng trọng của cá, chi phí chăm sóc, phòng bệnh.

"Trước đây nuôi 9-10 tháng là cá tầm đạt trọng lượng 2kg, nhưng nay muốn có trọng lượng này phải nuôi mất thời gian 12-15 tháng, chi phí về thực phẩm từ đó đội lên đáng kể", giám đốc doanh nghiệp trên nói.

alt

Do môi trường ô nhiễm, cá nước lạnh nuôi ngày một lâu lớn.

Một bất lợi nữa là giá cá thương phẩm có xu hướng giảm qua từng năm. Hiện tại, mỗi kg cá tầm trang trại xuất ra chỉ 180.000 đồng, đây không phải là giá lý‎ tưởng so với vốn đầu tư và công sức bỏ ra. Thêm vào đó, tình trạng cá nước lạnh nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng làm cho các doanh nghiệp trong nước lao đao vì giá thấp.

"Có một thực tế là sự tăng trưởng của cá nước lạnh tại các trang trại không đồng đều mặc dù chế độ chăm sóc giống nhau. Nguyên nhân là do chất lượng con giống không đồng nhất, trong khi giá một kg cá giống lên tới 6.000 USD. Nếu gặp phải đợt giống không tốt thì coi như thua", ông Hoàng - môt người tham gia nuôi cá nước lạnh khẳng định. Thêm vào đó giá thực phẩm cho cá ở mức cao, nhiều loại phải nhập khẩu vì trong nước chưa chủ động sản xuất được, càng tạo thêm bất lợi.

Theo quy định, cá tầm, cá hồi là những động vật thuộc ngoại lai, cần phải có sự quản lý‎ rất nghiêm ngặt. Do đó, lâu nay các doanh nghiệp nuôi cá nước lạnh ở Lâm Đồng mua con giống đều phải thông qua đơn vị nhập khẩu nhưng lại không nắm được xuất xứ, nguồn gốc con giống mình mua. Do đó, dù giá con giống đắt như vàng, nhưng quy trình mua bán lại như một loại hàng hóa trôi nổi mà người mua phải chấp nhận hên xui, may rủi.

Nguồn: Báo Công thương

 

 

Bình luận của bạn