Thị phần hàng Việt chiếm tỷ lệ lớn tại các siêu thị

“Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đi được chặng đường 6 năm, theo đó hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ ngày càng tăng trong các siêu thị, cửa hàng bán lẻ. Đó là nội dung cuộc hội thảo “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa từ nơi sản xuất tới siêu thị’ do Hiệp hội doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài và Công ty Samsung phối hợp tổ chức sáng nay (31/7).

Hiệu quả từ liên kết hàng hóa đến siêu thị

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài  khẳng định, trong những năm gần đây, mô hình bán hàng Trung tâm Thương mại và Siêu thị hiện đại đã phát triển mạnh tại Việt Nam. Hệ thống các siêu thị bán lẻ trong nước ngày càng mở rộng về quy mô và số lượng, từ siêu thị mini đến các siêu thị lớn, trung tâm thương mại đa năng của các DN trong nước. Đặc biệt hàng Việt đã có chỗ đứng nhất định trong các cơ sở phân phối không chỉ của DN có vốn trong nước mà cả DN có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam (tỷ trọng hàng sản xuất tại Việt Nam bán ra tại các cơ sở này đang chiếm khoảng 90%).

Theo bà Mai Khuê Anh-  Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), sau hơn 10 năm phát triển Hapro đã xây dựng được 2 Trung tâm mua sắm lớn, 3 trung tâm kinh doanh chợ, hơn 40 siêu thị, cửa hàng tiện ích Hapromart, Haprofood và hệ thống trên các cửa hàng chuyên doanh điện, điện máy, điện dân dụng, may mặc tại Hà Nội. “Hiện nay hệ thống bán lẻ của Hapro có khoảng 20 nghìn mã hàng hóa, trong đó tỷ trọng hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ nội địa chiếm khoảng 80% trên tổng cơ cấu hàng hóa”, bà Mai Khuê Anh nhấn mạnh.

alt

Hàng Việt khẳng định vị thế tại các hệ thống siêu thị

Với mục tiêu hỗ trợ tiêu thụ hàng nội địa, Công ty CP Siêu thị VinMart (Tập đoàn Vingroup) đã liên kết với các nhà cung cấp trong nước tại nhiều địa phương để thu mua nguồn hàng từ nhiều năm nay, đặc biệt là nông sản Đà Lạt. Bên cạnh đó VinMart đang xây dựng Dự án liên kết với các địa phương trên cả nước về các sản phẩm trái cây vùng miền. Dự án này cũng được sự hỗ trợ rất kịp thời từ Sở Công Thương Hà Nội và các tỉnh, thành trong vai trò trung gian kết nối. Trái cây đặc sản được VinMart liên kết trực tiếp thu mua tận gốc từ các hộ nông dân, Hợp tác xã, DN… tại địa phương và tổ chức mạng lưới vận chuyển đến các tỉnh thành khác để tiêu thụ.

Không chỉ có VinMart, siêu thị Bic C cũng luôn ưu tiên hàng nội, ông Nguyễn Thái Dũng, Phó tổng giám đốc Big C Thăng Long chia sẻ, có đến 95% hàng hoá trong siêu thị là hàng sản xuất tại Việt Nam.

Chú trọng đến chất lượng

Theo ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), ngoài quan tâm đến hiệu quả từ liên kết hàng hóa đến siêu thị, hàng Việt Nam cần phải chú trọng đến chất lượng tạo niềm tin cho người tiêu dùng, như vậy hàng Việt mới có chỗ đứng trên thị trường.

Đồng tình với quan điểm trên, Công ty CP Siêu thị VinMart với chuỗi phân phối trái cây đặc sản vùng miền cũng rất quan tâm đến chất lượng hàng hóa. Nông sản Đà Lạt được VinMart đặc biệt chú trọng từ khâu thu mua tại nguồn, xây dựng kho trung chuyển để đảm bảo giữ được độ tươi nguyên của nông sản đến tay người tiêu dùng thành phố. Ngoài ra, để chủ động việc cung cấp sản phẩm đảm bảo chất lượng, VinMart đã tích cực hỗ trợ nông dân hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, huấn luyện đào tạo các kỹ năng nuôi trồng tiên tiến, đáp ứng tiêu chuẩn VietGap.

Hay như sản phẩm Ladoda, cũng là một thương hiệu hàng Việt có mặt tại nhiều hệ thống siêu thị từ nhiều năm qua. Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó tổng giám đốc Công ty CP Ladoda, Ladoda luôn đặt uy tín chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Công ty luôn đồng hành với người tiêu dùng về bảo hành, sửa chữa sản phẩm miễn phí trong suốt 23 năm qua. Ngoài ra, Ladoda còn phối hợp với các cơ quan chức năng chống hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu, bảo vệ thị trường, coi việc bảo vệ người tiêu dùng là giải pháp để khuyến khích tiêu dùng và phát triển thị trường trong nước.

Ông Võ Văn Quyền cũng khẳng định, thời gian tới hàng Việt Nam không chỉ nâng cao chất lượng hàng Việt tại thị trường nội địa, mà hàng Việt còn có thể tham gia trong các hệ thống phân phối toàn cầu. Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị các DN đầu tư nước ngoài tham cần gia sâu rộng vào chương trình “Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Cụ thể đẩy mạnh kết nối với các DN Việt Nam nhằm ưu tiên sử dụng vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất, phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Đồng thời tăng cường kết nối với DN Việt Nam nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt tại các cơ sở sản xuất trong nước.

Theo http://baocongthuong.com.vn/

 

 

Bình luận của bạn